Nhẫn 2013

Bởi Trung Địa là thế giới ;-)

Từ khóa: nhà vua trở về

[Trích] Phụ lục E: Chữ và chính tả

[Phụ lục E như xuất hiện trong Chúa tể những chiếc Nhẫn: Nhà Vua trở về, NN|VH 2014. An Lý nghĩ đây có thể là một nguồn tham khảo tiện lợi cho những bạn muốn tìm hiểu về khía cạnh ngôn ngữ của Trung Địa.

Các chú thích phát âm sử dụng hệ thống phiên âm quốc tế IPA vốn không có trong sách gốc và được bổ sung riêng cho ấn bản của Nhã Nam. Về hệ thống ngữ âm và minh họa cách phát âm, các bạn có thể xem thêm trang (tiếng Việt) Taulë Ardaranyessë của bạn Tyelpion.

Hai bảng chữ trong phụ lục sử dụng font Tengwar Telcontar của Johan WingeCirth Erebor của Dan Smith.]

 

I – Cách phát âm các từ và tên riêng

Tây ngữ, tức Ngôn Ngữ Chung, đã được dịch toàn bộ sang các từ tiếng Anh tương đương. Tên riêng và các từ đặc biệt của Hobbit cũng có dụng ý phát âm theo cách đó: ví dụ g trong Bolger đọc như trong bulge /bʌldʒ/, còn mathom hiệp vần với fathom /ˈfæðəm/.

Còn với các hệ chữ viết cổ, trong quá trình phiên âm tôi đã cố gắng dung hòa giữa thể hiện tương đối chính xác cách phát âm gốc (chừng nào có thể xác định được) và tạo ra những từ và tên riêng nhìn không đến nỗi quá thô lậu khi viết bằng chữ cái hiện đại. Tiếng Quenya tức Thượng Tiên dùng chính tả sát với tiếng La tinh hết mức cho phép. Cũng vì thế hai ngôn ngữ Eldar sử dụng c chứ không dùng k.

Những ai để ý các chi tiết loại này còn có thể nhận thấy vài điểm sau.

Phụ âm

C         luôn mang giá trị như k kể cả đi trước ei: celeb “bạc” phải đọc như keleb.

CH     chỉ dùng ký âm như trong bach /baχ/ (tiếng Đức hay Wales), không phải như trong church /t͡ʃɜːt͡ʃ/ tiếng Anh. Ngoài trường hợp đứng cuối từ hoặc đi trước t, âm này luôn bị nhược hóa thành h trong khẩu ngữ Gondor; hiện tượng này được phản ánh trong vài tên gọi như Rohan, Rohirrim. (Imrahil là tên bằng tiếng Númenor.)

DH     ghi âm th hữu thanh (mềm) trong these clothes /ðiːz kləʊðz/ tiếng Anh. Âm này thường liên quan tới d, như trong S. galadh “cây”, so sánh Q. alda; nhưng đôi lúc lại phái sinh từ n+r, như trong Caradhras “Sừng Đỏ” là từ caran-rass.

F         ghi âm f, nhưng đứng cuối từ là ghi âm v (như trong of /ɒv/ tiếng Anh): Nindalf, Fladrif.

G         chỉ đọc như g trong give, get: âm tiết gil “sao” trong Gildor, Gilraen, Osgiliath bắt đầu như gild /ɡɪld/tiếng Anh.

H        đứng riêng không ghép với phụ âm khác thì đọc như h trong house, behold. Tổ hợp ht tiếng Quenya đọc như cht, như trong echt, acht [ɛçt; aχt] tiếng Đức: VD là tên Telumehtar “chòm Thiên Lang” [1]. So sánh CH, DH, L, R, TH, W, Y.

I          đứng đầu trước mọi nguyên âm khác chỉ đọc như phụ âm y trong you, yore /juː; jɔː/ riêng trong tiếng Sindarin: như trong Ioreth, Iarwain. Xem Y.

K         chỉ dùng trong tên thuộc ngôn ngữ khác ngoài tiếng Tiên, cũng mang giá trị như c; vì thế kh cũng ký âm giống như ch trong Grishnákh tiếng Orc, hay Adûnakhôr tiếng Adûnaic (Númenor). Về tiếng Người Lùn (Khuzdul), xem lưu ý dưới đây.

L         ghi âm tương tự l đứng đầu trong tiếng Anh, như trong let. Tuy nhiên âm này bị ngạc hóa một phần khi đứng giữa e, i và phụ âm khác, hoặc đứng cuối sau e, i. (Các từ bell, fill /bɛl; fɪl/ tiếng Anh ắt sẽ được dân Eldar phiên âm là beol, fiol.) Dạng vô thanh của âm này sẽ ghi bằng LH (thường phái sinh từ sl- đứng đầu). Trong tiếng Quenya (cổ) viết là hl, nhưng tới Kỷ Đệ Tam thường phát âm là l.

NG     ký âm ng như trong finger /ˈfɪŋɡə/ tiếng Anh, trừ khi đứng cuối thì đọc như sing /sɪŋ/. Âm cuối này xưa cũng từng phân bố ở đầu từ trong tiếng Quenya, nhưng đã được phiên âm là n (như trong Noldo) theo cách phát âm Kỷ Đệ Tam.

PH      ghi âm giống như f. Cách viết này dùng trong các trường hợp: (a) khi âm f đứng cuối từ, như trong alph “thiên nga”; (b) khi âm f liên quan tới hoặc phái sinh từ p, như trong i-Pheriannath “những người Tí Hon” (perian); (c) ở vị trí đứng giữa trong một số từ, ký âm ff dài (bắt nguồn từ pp) như trong Ephel “hàng rào ngoài”; (d) từ tiếng Adûnaic và Tây ngữ, như trong Ar-Pharazôn (pharaz “vàng”).

QU      được dùng viết cw, tổ hợp rất thường thấy trong tiếng Quenya, dù không gặp trong Sindarin.

R         ký âm rung r dù ở vị trí nào; không bị câm khi đi trước phụ âm (chẳng hạn như trong part /pɑːt/ tiếng Anh). Orc và một số Người Lùn nghe nói từng dùng âm r lùi, tức âm rung lưỡi con, bị dân Eldar coi là rất thô tục. RH ký âm r vô thanh (thường phái sinh từ sr- đứng đầu trong lịch sử). Tiếng Quenya viết là hr. Ss L.

S         luôn là âm vô thanh như trong so, geese /səʊ; ɡiːs/ tiếng Anh; âm z không tồn tại trong tiếng Quenya hay Sindarin đương đại. SH thấy trong Tây ngữ, tiếng Người Lùn và tiếng Orc ký âm tương tự sh /ʃ/ trong tiếng Anh.

TH     ký âm th vô thanh tiếng Anh trong thin cloth/θɪn klɒθ/. Trong khẩu ngữ Quenya đã biến thành s, dù vẫn viết bằng chữ khác như trong Q. Isil – S. Ithil, “Mặt Trăng”.

TY      ký âm có lẽ tương tự t trong tune /tjuːn/ tiếng Anh. Âm này chủ yếu phái sinh từ c hoặc t+y. Âm ch /tʃ/ như trong tiếng Anh, vì rất thường gặp trong Tây ngữ, thường được người nói tiếng Tây ngữ dùng thay thế âm này. Ss. HY trong mục Y.

V         đọc như âm v tiếng Anh, nhưng không phân bố cuối từ. Xem F.

W       đọc như âm w /w/ tiếng Anh. HW là âm w vô thanh, như trong white tiếng Anh theo cách phát âm miền Bắc /ʍaɪt/. Âm này không hiếm gặp ở vị trí đứng đầu trong tiếng Quenya, dù có vẻ cuốn sách này không đưa ra ví dụ nào. Cả vw đều được dùng khi phiên âm tiếng Quenya, bất kể chính tả Quenya đã đồng hóa vào tiếng La tinh, vì cả âm đó đều gặp trong ngôn ngữ Quenya và có nguồn gốc khác nhau.

Y         trong tiếng Quenya dùng cho phụ âm y, như trong you /juː/ tiếng Anh. Trong tiếng Sindarin y là nguyên âm (xem phần sau). HY đối với y cũng như HW với w, ký âm thường thấy như trong hew, huge /hjuː; hjuːdʒ/ tiếng Anh; h trong eht, iht tiếng Quenya cũng là âm này. Âm sh /ʃ/ tiếng Anh thường gặp trong Tây ngữ, thường được người nói tiếng Tây ngữ dùng thay thế. Ss. TY đã nói trên. HY thường phái sinh từ sy-khy-; trong cả hai trường hợp các từ Sindarin có liên quan thường bắt đầu bằng h, như trong Q. Hyarmen “phía Nam” – S. Harad.

 *

Lưu ý rằng những phụ âm viết lặp như tt, ll, ss, nn thể hiện các phụ âm “kép” kéo dài. Cuối những từ nhiều hơn một âm tiết, phụ âm kép này thường viết giản lược: như Rohan rút gọn từ Rochann (dạng cổ Rochand).

Trong tiếng Sindarin các tổ hợp ng, nd, mb, vốn rất phổ biến trong các ngôn ngữ Eldar giai đoạn trước, phải trải qua nhiều biến đổi. mb trở thành m trong mọi trường hợp, nhưng vẫn được coi là phụ âm dài khi tính trọng âm (xem phần dưới), vì vậy được viết là mm nếu có khả năng gây ra lẫn lộn trọng âm khi viết gọn [2]. ng giữ nguyên, trừ ở vị trí đứng đầu hoặc đứng cuối thì trở thành âm mũi đơn giản (như trong sing /sɪŋ/ tiếng Anh). nd nói chung biến đổi thành nn, như trong Ennor “Trung Địa”, Q. Endóre; nhưng vẫn giữ nguyên là nd khi đứng cuối các từ đơn tiết mang trọng âm duy nhất như thond “rễ” (ss Morthond “Rễ Đen”) hoặc đi trước r, như Andros “bọt dài”. Tổ hợp nd còn thấy trong nhiều tên cổ còn lại từ xưa, như Nargothrond, Gondolin, Beleriand. Sang tới Kỷ Đệ Tam, nd đứng cuối các từ đa tiết đã thành nn rút ngắn còn n, như trong Ithilien, Rohan, Anórien.


[1]. Thường gọi là Menelvagor trong tiếng Sindarin (I 105), Menelmacar tiếng Quenya.

[2]. Như trong galadhremmin ennorath (I 304), “mảnh đất Trung Địa dày đặc cây”. Remmirath (I 105) có chứa rem “lưới”, Q. rembe + mîr “ngọc”.

(Xem tiếp trang sau)

Advertisement

Trang: 1 2 3

[Trích] Q. 5 – C. 1 – Minas Tirith

Trích Nhà Vua trở về, Tâm Thủy dịch, NN|VH 2014, tr. 13-46

Trích đoạn khác: Một bữa tiệc từ lâu trông đợi | Chiếc Nhẫn lên đường Nam tiến | Cây Râu

[Để góp phần tăng thêm độ khó đọc cho Chúa tể những chiếc Nhẫn của Nhã Nam, đoạn trích này sẽ gây phân tán các bạn bằng cách chèn tùy tiện hình ảnh Minas Tirith làm bằng các chất liệu khác nhau :) – An Lý]

Chúa tể những chiếc Nhẫn - Nhà Vua trở về

Pippin nhìn ra ngoài từ trong vạt áo choàng che chở của Gandalf. Cậu tự hỏi liệu mình đã tỉnh hay còn đang ngủ, đang chìm trong giấc mộng trôi nhanh ôm ấp mình bấy nay từ khi bắt đầu chuyến đi dài. Thế gian tối sẫm lướt qua và gió ầm ào hát bên tai. Cậu không thấy gì ngoài những vì sao xoay vòng, và xa xa bên phải là những cái bóng khổng lồ trên nền trời nơi dãy núi phương Nam nối tiếp nhau lùi lại. Giữa cơn ngái ngủ cậu thử tính thời gian các chặng trong hành trình, nhưng trí nhớ có vẻ mờ mịt không chính xác.

Chặng đầu tiên họ đã phi điên cuồng không ngơi nghỉ, và rồi tới bình minh, cậu thấy một ánh vàng nhạt lóe lên, họ đã tới thị trấn câm lặng và tòa nhà lớn không người trên đồi. Họ chỉ vừa đến nơi trú ẩn thì những cái bóng có cánh lại bay qua trên cao, khiến con người bủn rủn vì sợ hãi. Nhưng Gandalf đã nói với cậu những lời nhẹ nhàng, và cậu vào ngủ trong một góc nhà, mệt lử nhưng trằn trọc, lờ mờ ý thức được người đến kẻ đi rồi người nói chuyện, cả việc Gandalf giao mệnh lệnh. Và rồi lại phi đi, đi trong đêm. Đây là đêm thứ hai, không phải, thứ ba, kể từ khi cậu nhìn vào Quả Cầu. Chỉ nghĩ đến ký ức kinh khiếp ấy cậu liền tỉnh hẳn, và run lên, nghe những giọng nói hăm dọa ngập đầy trong tiếng gió.

Ánh sáng gì đó ngời lên trên bầu trời, lưỡi lửa vàng rực sau những rào ngăn tăm tối. Pippin co rúm lại, sợ hãi trong phút chốc, tự hỏi Gandalf đang đưa mình tới miền đất đáng sợ nào. Cậu dụi mắt, rồi thấy ấy là mặt trăng trôi ra khỏi bóng tối phương Đông, giờ đã gần tròn. Vậy là đêm vẫn chưa khuya và cuộc hành trình trong bóng tối sẽ còn kéo dài hàng giờ nữa. Cậu cựa mình lên tiếng.

“Chúng ta đang ở đâu thế, Gandalf?” cậu hỏi.

“Ở vương quốc Gondor,” thầy phù thủy trả lời. “Ta vẫn đang đi qua vùng đất Anórien.”

Lại một lúc im lặng. Rồi, “Cái gì thế?” Pippin đột ngột kêu lên, túm chặt áo choàng của Gandalf. “Nhìn kìa! Lửa, lửa đỏ rực! Có rồng trong vùng này sao? Nhìn kìa, lại thêm nữa!”

Thay vì trả lời, Gandalf hô to với con ngựa. “Nhanh lên, Scadufax! Chúng ta phải nhanh lên. Không còn nhiều thời gian đâu. Nhìn kìa! Lửa hiệu Gondor đang cháy sáng, kêu gọi ứng cứu. Chiến tranh nhen nhóm rồi. Đó, kia là lửa hiệu trên đồi Amon Dîn, và lửa trên đỉnh Eilenach; và nhanh chóng chúng lan về phía Tây: Nardol, Erelas, Min-Rimmon, Calenhad, và ngọn Halifirien ở biên giới Rohan.”

Nhưng Scadufax hãm sải bước, đi chậm thành nước kiệu, rồi ngửng đầu lên hí vang. Và từ trong bóng tối vang lên tiếng hí đáp lại từ những con ngựa khác; ngay sau đó là tiếng móng ngựa rầm rập, rồi ba kỵ sĩ lướt tới bay qua như những bóng ma dưới ánh trăng, biến mất về phía Tây. Rồi Scadufax bình tĩnh lại và lao đi, bóng đêm táp qua mình nó như gió thét gào.

Pippin lại gà gật nên chẳng mấy để ý tới lời Gandalf kể về các tục lệ của Gondor, về việc Chúa Thành cho xây dựng các mốc lửa hiệu trên đỉnh những ngọn đồi ngoài cùng, dọc theo dãy núi lớn về cả hai phía, và đặt các điểm trạm ở đó, luôn sẵn sàng ngựa khỏe để chở các kỵ sĩ liên lạc tới Rohan ở phía Bắc hoặc Belfalas ở phía Nam. “Đã rất lâu kể từ lần cuối lửa hiệu phương Bắc được đốt lên,” ông nói; “và trong những ngày xa xưa ở Gondor, người ta không cần đến chúng, bởi họ đã có Bảy Quả Cầu.” Pippin ngọ nguậy bứt rứt.

“Ngủ lại đi, và đừng sợ!” Gandalf nói. “Vì không phải như Frodo ngươi không tới Mordor, mà tới Minas Tirith, và đó là điểm dừng chân an toàn nhất cho bất kỳ ai trong những ngày này. Còn nếu Gondor thất thế, hay chiếc Nhẫn bị đoạt lại, thì cả Quận cũng chẳng còn là nơi ẩn náu.”

“Ông nghĩ nói thế là trấn an cháu đấy à,” Pippin nói, nhưng giấc ngủ vẫn trườn lên mắt cậu. Điều cuối cùng cậu nhớ được trước khi chìm sâu vào giấc mộng là những đỉnh núi trắng cao vời vợi thoáng hiện trước mắt, lấp lánh như những hòn đảo trôi trên biển mây khi bắt ánh trăng đang dần ngả về Tây. Cậu tự hỏi Frodo đang ở đâu, liệu cậu đã tới Mordor chưa, hay đã chết; và cậu không biết rằng Frodo từ phương xa cũng đang nhìn lên chính vầng trăng ấy, đang lặn xuống sau Gondor trước khi ngày tới.

 

(Xem tiếp trang sau)

Trang: 1 2 3 4 5 6