Lá của Niggle
“Leaf by Niggle” là một truyện ngắn viết quãng 1938-1939, in trong cuốn Tree and Leaf (1964) cùng bài tiểu luận “Về truyện thần tiên” (On Fairy-Stories). Không thật quen thuộc với bạn đọc đại trà, nhưng đây là hai tác phẩm quan trọng đối với giới nghiên cứu cũng như những ai muốn tìm hiểu sâu thêm về quan niệm sáng tác của Tolkien. – An Lý
__
Xưa có một người bé nhỏ tên gọi Niggle, ông có một chuyến đi dài phía trước. Ông chẳng hề muốn phải lên đường, ý nghĩ lên đường đã làm ông chóng mặt; nhưng chuyến đi ấy chẳng cách nào rũ được. Sớm muộn gì ông cũng phải bắt đầu, nhưng ông cứ dềnh dàng nấn ná dài lâu.
Niggle vốn là họa sĩ. Không phải một họa sĩ rất nổi tiếng thành đạt đâu, phần vì ông còn rất nhiều việc khác phải làm. Hầu hết ông chỉ coi là lắm thứ phiền hà, nhưng cũng làm tương đối tốt, nếu là việc không rũ đi được – mà những việc này thì lại quá nhiều (đấy là theo ý ông). Luật lệ ở xứ ông hà khắc lắm. Mà còn những trở ngại kiểu khác nữa. Đầu tiên là, nhiều khi ông chỉ nằm ườn thế thôi, chẳng làm gì cả. Thứ đến, ông lại còn có lòng tốt nữa, theo kiểu ông. Các bạn vẫn biết cái kiểu lòng tốt ấy đấy: chủ yếu nó làm ông áy náy hơn là làm ông bắt tay vào làm việc cần làm; mà cả khi có làm nữa, thì lòng tốt ấy cũng chẳng khiến ông bớt làu nhàu, bực bội hay rủa mắng (dù chủ yếu là mình nói mình nghe thôi). Dù sao thì nó cũng khiến ông phải làm ối việc vặt cho ông hàng xóm Parish, ông này vốn bị què chân. Có nhiều lúc ông còn giúp cả những người ở xa hơn nữa cơ, nếu họ đến tận nơi nhờ. Lại còn, thỉnh thoảng ông nhớ ra chuyến đi đang chờ đợi nữa, thế là lại đóng gói thứ này thứ khác một cách rất cầu ơ: những lúc đó ông chẳng vẽ được gì mấy.
Ông đang vẽ dở một lúc mấy bức liền; hầu như bức nào cũng quá lớn, quá tham vọng so với tài ông. Ông thuộc loại giỏi vẽ lá hơn vẽ cây. Ông thường dành hàng giờ tỉ mẩn vẽ một chiếc lá duy nhất, tìm cách tả lại đúng hình dạng, đúng bóng nắng loáng trên mặt lá, cùng ánh sáng linh lung trên những hạt sương nơi rìa. Thế mà ông lại mong vẽ cả một cái cây, trên đó mỗi chiếc lá đều kỳ khu như thế, và không chiếc nào giống chiếc nào.
Một bức trong số đó cứ lấn bấn mãi trong đầu ông. Bắt đầu chỉ là một chiếc lá rung rinh trong gió, rồi lá ấy mọc thành cây, rồi cây ấy cứ thế lớn mãi, trổ lên vô vàn cành nhánh, đâm xuống hằng hà cội rễ kỳ thú tuyệt vời. Những chú chim lạ lùng bay đến đậu xuống cành cây, cả chúng cũng cần chăm chút nữa. Rồi là khắp xung quanh, khắp đằng sau Cây ấy, trong những khoảng trống giữa đám lá cành, mở ra mênh mang cả một miền đất, lại có một cánh rừng lấp ló trải ra đằng sau, và một rặng núi đỉnh tuyết phủ. Niggle dần mất hứng với mọi bức tranh khác, hoặc đem tất cả ấn vào góc này góc nọ bức tranh lớn này. Chẳng mấy chốc tấm toan đã to đến nỗi phải bắc thang mới trèo lên vẽ được; ông lên lên xuống xuống trên thang, thêm một nét chỗ này, cạo một mảng chỗ khác. Khi có khách khứa đến thăm ông vẫn tiếp đãi họ tử tế, dù tay không ngừng mó máy mấy cây bút chì trên bàn. Ông lắng nghe họ nói, nhưng trong lòng còn bận nghĩ về tấm toan lớn, về căn lán rất cao đã được xây lên để che bức tranh đặt trong vườn (trên khoảnh đất ngày xưa trồng khoai tây).
Duy có lòng tốt là ông vẫn không rũ bỏ được. “Ước gì mình có ý chí mạnh hơn!” thỉnh thoảng ông tự nhủ, câu ấy có nghĩa là ước gì muộn phiền của người khác không làm ông áy náy tới mức ấy. Nhưng trong một thời gian dài ông cũng không bị quấy quả gì ghê gớm cả. “Dù sao mình cũng chỉ vẽ xong đúng bức này thôi, bức tranh thật sự của mình, rồi thì sẽ thực hiện ngay cái chuyến đi khốn khiếp ấy,” ông thường nói vậy. Nhưng dần dà ông cũng thấy rằng không thể cứ hoãn ngày lên đường đến vô cùng tận được. Rồi cũng sẽ đến lúc bức tranh phải ngừng lớn lên mãi và hoàn thành đi thôi.
Đọc tiếp »