Lá của Niggle

by Nguyễn An Lý

“Leaf by Niggle” là một truyện ngắn viết quãng 1938-1939, in trong cuốn Tree and Leaf (1964) cùng bài tiểu luận “Về truyện thần tiên” (On Fairy-Stories). Không thật quen thuộc với bạn đọc đại trà, nhưng đây là hai tác phẩm quan trọng đối với giới nghiên cứu cũng như những ai muốn tìm hiểu sâu thêm về quan niệm sáng tác của Tolkien. – An Lý

__

Xưa có một người bé nhỏ tên gọi Niggle, ông có một chuyến đi dài phía trước. Ông chẳng hề muốn phải lên đường, ý nghĩ lên đường đã làm ông chóng mặt; nhưng chuyến đi ấy chẳng cách nào rũ được. Sớm muộn gì ông cũng phải bắt đầu, nhưng ông cứ dềnh dàng nấn ná dài lâu.

Niggle vốn là họa sĩ. Không phải một họa sĩ rất nổi tiếng thành đạt đâu, phần vì ông còn rất nhiều việc khác phải làm. Hầu hết ông chỉ coi là lắm thứ phiền hà, nhưng cũng làm tương đối tốt, nếu là việc không rũ đi được – mà những việc này thì lại quá nhiều (đấy là theo ý ông). Luật lệ ở xứ ông hà khắc lắm. Mà còn những trở ngại kiểu khác nữa. Đầu tiên là, nhiều khi ông chỉ nằm ườn thế thôi, chẳng làm gì cả. Thứ đến, ông lại còn có lòng tốt nữa, theo kiểu ông. Các bạn vẫn biết cái kiểu lòng tốt ấy đấy: chủ yếu nó làm ông áy náy hơn là làm ông bắt tay vào làm việc cần làm; mà cả khi có làm nữa, thì lòng tốt ấy cũng chẳng khiến ông bớt làu nhàu, bực bội hay rủa mắng (dù chủ yếu là mình nói mình nghe thôi). Dù sao thì nó cũng khiến ông phải làm ối việc vặt cho ông hàng xóm Parish, ông này vốn bị què chân. Có nhiều lúc ông còn giúp cả những người ở xa hơn nữa cơ, nếu họ đến tận nơi nhờ. Lại còn, thỉnh thoảng ông nhớ ra chuyến đi đang chờ đợi nữa, thế là lại đóng gói thứ này thứ khác một cách rất cầu ơ: những lúc đó ông chẳng vẽ được gì mấy.

Ông đang vẽ dở một lúc mấy bức liền; hầu như bức nào cũng quá lớn, quá tham vọng so với tài ông. Ông thuộc loại giỏi vẽ lá hơn vẽ cây. Ông thường dành hàng giờ tỉ mẩn vẽ một chiếc lá duy nhất, tìm cách tả lại đúng hình dạng, đúng bóng nắng loáng trên mặt lá, cùng ánh sáng linh lung trên những hạt sương nơi rìa. Thế mà ông lại mong vẽ cả một cái cây, trên đó mỗi chiếc lá đều kỳ khu như thế, và không chiếc nào giống chiếc nào.

Một bức trong số đó cứ lấn bấn mãi trong đầu ông. Bắt đầu chỉ là một chiếc lá rung rinh trong gió, rồi lá ấy mọc thành cây, rồi cây ấy cứ thế lớn mãi, trổ lên vô vàn cành nhánh, đâm xuống hằng hà cội rễ kỳ thú tuyệt vời. Những chú chim lạ lùng bay đến đậu xuống cành cây, cả chúng cũng cần chăm chút nữa. Rồi là khắp xung quanh, khắp đằng sau Cây ấy, trong những khoảng trống giữa đám lá cành, mở ra mênh mang cả một miền đất, lại có một cánh rừng lấp ló trải ra đằng sau, và một rặng núi đỉnh tuyết phủ. Niggle dần mất hứng với mọi bức tranh khác, hoặc đem tất cả ấn vào góc này góc nọ bức tranh lớn này. Chẳng mấy chốc tấm toan đã to đến nỗi phải bắc thang mới trèo lên vẽ được; ông lên lên xuống xuống trên thang, thêm một nét chỗ này, cạo một mảng chỗ khác. Khi có khách khứa đến thăm ông vẫn tiếp đãi họ tử tế, dù tay không ngừng mó máy mấy cây bút chì trên bàn. Ông lắng nghe họ nói, nhưng trong lòng còn bận nghĩ về tấm toan lớn, về căn lán rất cao đã được xây lên để che bức tranh đặt trong vườn (trên khoảnh đất ngày xưa trồng khoai tây).

Duy có lòng tốt là ông vẫn không rũ bỏ được. “Ước gì mình có ý chí mạnh hơn!” thỉnh thoảng ông tự nhủ, câu ấy có nghĩa là ước gì muộn phiền của người khác không làm ông áy náy tới mức ấy. Nhưng trong một thời gian dài ông cũng không bị quấy quả gì ghê gớm cả. “Dù sao mình cũng chỉ vẽ xong đúng bức này thôi, bức tranh thật sự của mình, rồi thì sẽ thực hiện ngay cái chuyến đi khốn khiếp ấy,” ông thường nói vậy. Nhưng dần dà ông cũng thấy rằng không thể cứ hoãn ngày lên đường đến vô cùng tận được. Rồi cũng sẽ đến lúc bức tranh phải ngừng lớn lên mãi và hoàn thành đi thôi.

Tới một hôm, Niggle đứng cách bức tranh hơi xa một chút mà ngắm nghía, chăm chú và khách quan lạ thường. Ông không xác quyết được cảm xúc trong lòng mình là sao; ông ước gì có một người bạn bảo cho ông biết nên cảm thấy gì. Sự thật là, ông thấy bức tranh còn xa mới gọi là đạt, nhưng nó lại xinh đẹp vô cùng, như thể đấy là bức tranh duy nhất có thể được gọi là đẹp trên khắp thế giới. Thực ra cái ông muốn khi ấy là thấy chính mình đi vào, vỗ bồm bộp vào vai bản thân mà nói (chân thành hết sức, dĩ nhiên): “Tranh thế mới gọi là thiên tài chứ! Tôi hiểu ngay ý đồ nghệ thuật của anh. Cứ tiếp tục vẽ đi, đừng bận tâm về cái gì hết! Rồi ta sẽ sắp xếp để thành phố chu cấp cho anh, anh sẽ không phải thiếu thốn gì cả.”

Nhưng lại chẳng có khoản chu cấp nào hết. Và ông thấy rõ một điều: cần phải tập trung, cần phải bỏ công sức, công sức ráo riết và không đứt đoạn, mới có thể hoàn tất được bức tranh này, kể cả là ở kích cỡ hiện tại. Ông xắn tay áo và trút hết sức lực vào đó. Suốt mấy ngày ông cố không bận tâm về cái gì khác cả. Nhưng rồi các việc đến làm phiền liên tục. Trong nhà lắm thứ hỏng hóc; ông phải vào phố làm bồi thẩm; một ông bạn đường xa bị ốm; ông Parish nằm liệt vì đau lưng; khách viếng thăm thì cứ nườm nượp tới. Giờ đang là mùa xuân, họ đều muốn về thôn quê uống chén trà miễn phí, vì Niggle sống trong ngôi nhà nhỏ xinh rất xa trung tâm. Trong bụng nguyền rủa họ, nhưng ông không nuốt được lời mời chính mình đã nói ra từ tận hồi mùa đông, hồi còn chưa nghĩ cùng người quen trong thành phố lui tới mấy quán trà là bị họ “làm phiền”. Ông cố ép lòng mình sắt đá lại, nhưng không ăn thua. Có bao nhiêu thứ ông không đủ dũng khí từ chối, dù coi là bổn phận hay không; lại còn lắm thứ khác ông bắt buộc phải làm, dù có coi là gì cũng vậy. Có vài người khách nói bóng nói gió rằng vườn nhà ông hình như hơi tiều tụy, có thể ông sẽ bị Quan Thanh Tra sớm gõ cửa cũng nên. Tất nhiên rất ít người trong số họ biết đến bức tranh, nhưng có biết chắc cũng vậy thôi. Tôi chẳng nghĩ rằng họ sẽ thấy bức tranh quan trọng lắm đâu. Tôi còn dám nói tranh ấy cũng chẳng đẹp lắm nữa là khác, dù chắc có hai ba phần khá được. Dù sao nữa, Cái Cây cũng rất lạ đời. Gọi là độc nhất vô nhị cũng chẳng sai. Cũng như Niggle vậy; dù mặt khác ông chỉ là một người nhỏ bé khá bình thường và khá ngây ngốc.

Cuối cùng thì Niggle cũng cảm thấy thời gian thúc giục. Những người quen ở thành phố xa xôi kia nhớ ra rằng con người nhỏ bé này còn phải bắt đầu một chuyến đi phiền toái nữa, thế nên vài người bắt đầu bấm ngón tay xem nhiều nhất ông còn trì hoãn được bao lâu. Họ cũng đoán xem ai sẽ là người kế tiếp đến ở nhà ông, và liệu khu vườn có được chăm sóc tử tế hơn chăng.

Rồi mùa thu đến, mưa gió lê thê. Ông thợ vẽ bé nhỏ vẫn ở trong lán. Ông vắt vẻo trên thang, cố bắt lấy chớp sáng trên đỉnh tuyết khi mặt trời xuống núi, vừa lọt vào mắt ngay sát bên trái đầu mút cành cây giữa tán lá lòa xòa. Ông biết mình sắp phải ra đi rồi: có lẽ là ngay đầu năm sau thôi. Chỉ vừa vặn để hoàn thành bức tranh, mà cũng chỉ tàm tạm: giờ thì nhiều góc tranh sẽ chẳng kịp tô vẽ gì nữa, chỉ phác được qua ý định trong đầu.

Có tiếng gõ cửa. “Mời vào!” ông gắt lên rồi trèo xuống. Ông đứng trên sàn, vặn vẹo cây cọ trong tay. Đấy là ông láng giềng Parish, láng giềng duy nhất của ông; những người khác đều sống cách một quãng xa. Tuy thế ông vẫn không ưa ông kia cho lắm, phần vì ông ta cứ suốt ngày gặp phiền toái phải đến nhờ vả, phần khác vì ông ta chẳng hề thích vẽ vời, mà lại quá sốt sắng chỉ bảo về vườn tược. Khi nào nhìn sang vườn của Niggle (mà ông suốt ngày nhìn sang), Parish thấy toàn cỏ là cỏ, còn khi nào nhìn tới tranh của Niggle (mà ông chẳng mấy khi nhìn tới), ông ta thấy toàn những mảng xanh xanh xám xám rồi những nét gì đen xì, chả có mảy may ý nghĩa gì. Ông ta không ngại bảo ban về lũ cỏ (đấy là bổn phận láng giềng) nhưng lại kìm lời không nói gì về đám tranh. Ông ta nghĩ thế là tốt bụng lắm rồi, nhưng không nhận ra rằng dù có thế thật đi nữa, thì vẫn chưa đủ. Ra tay nhặt giúp lũ cỏ (và có lẽ, ra miệng khen ngợi mấy cái tranh) sẽ còn tốt bụng hơn nhiều.

“Thế có chuyện gì đấy bác Parish?” Niggle hỏi.

“Tôi biết lẽ ra không nên đến làm phiền bác,” Parish đáp (không thèm nhìn bức tranh). “Hẳn là bác đang rất bận.”

Đó đúng là điều Niggle định nói, nhưng giờ thì lỡ dịp rồi. Nên ông chỉ đáp, “Ừ.”

“Nhưng tôi chẳng còn biết nhờ ai khác cả,” Parish nói.

“Đúng thế,” Niggle nói và thở dài; cái kiểu thở dài như một lời bình phẩm trong lòng, nhưng cũng không để đối phương nghe thấy. “Tôi giúp gì được bác?”

“Bà nhà tôi ốm mấy hôm rồi, tôi đang lo quá,” Parish nói. “Mà gió thì đã thổi bay nửa mái ngói, mà nước thì đang dột vào buồng ngủ. Chắc tôi phải đi kiếm thầy thuốc. Cả thợ xây nữa, có điều họ lâu đến quá. Không biết bác có thừa ít gỗ hay bạt nào giúp tôi đắp tạm không, chỉ cần qua một hai ngày thôi.” Giờ thì ông ta đã nhìn cái tranh.

“Ôi trời!” Niggle kêu lên. “Thật là rủi cho bác quá. Hy vọng bác gái chỉ bị cảm thôi. Tôi sẽ sang ngay, giúp bác đỡ bác gái xuống nhà.”

“Đa tạ ý tốt của bác,” Parish đáp lại lạnh nhạt. “Nhưng bà ấy không cảm, mà đang sốt. Nếu chỉ cảm thôi thì tôi phiền bác làm gì. Và bà ấy đã ở nhà dưới rồi. Tôi làm sao bưng đồ ăn lên tầng với cái chân này được. Nhưng rõ là bác đang bận. Xin lỗi đã quấy quả bác. Tôi đã tưởng bác có thể bớt chút thời gian đi kêu hộ thầy thuốc, nếu thấy tình cảnh tôi ra thế này, và cả thợ xây nữa, nếu đúng là bác không có thừa bạt.”

“Được chứ, được chứ,” Niggle nói, dù trong bụng nảy ra những lời khác hẳn; lúc này thì ông chỉ yếu lòng chứ chẳng hề tốt bụng tí nào hết. “Tôi đi được. Tôi sẽ đi nếu đúng là bác lo lắng đến mức ấy.”

“Tôi lo lắm, tôi lo lắm. Giá mà tôi không bị què,” Parish nói.

Thế là Niggle đi. Các bạn thấy đấy, thật là khó xử. Parish là láng giềng sát vách, còn mọi người khác đều ở xa lăng lắc. Niggle có xe đạp, còn Parish thì không, mà có cũng không đi được. Parish bị què một chân, què thật, và ông ta đau lắm: phải nhớ cái đó, chưa kể đến bản mặt khó chịu và giọng điệu kèo nhèo nữa. Tất nhiên, Niggle có một bức tranh phải vẽ và còn rất ít thời gian. Nhưng xem ra Parish mới là người phải nhớ điều ấy chứ, không phải Niggle. Nhưng Parish lại không nghĩ đến tranh, mà Niggle thì không làm cách nào được. “Khỉ thật!” Niggle tự nhủ và leo lên xe đạp.

Trời thì mưa gió, ánh ngày đang tắt dần. “Hôm nay thế là khỏi làm gì nữa!” Niggle nghĩ, và suốt trên đường đi khi thì ông lầm bầm rủa mắng, khi thì tưởng tượng những nhát cọ trên đỉnh núi, trên nhánh lá bên đỉnh núi, mà ông đã hình dung lần đầu tiên từ dạo xuân. Những ngón tay ngứa ngáy cựa quậy trên tay lái. Bây giờ đã ra khỏi lán rồi, ông mới thấy chính xác cách vẽ chùm lá ngời sáng ấy, ôm vòng bóng đỉnh núi xa xa. Nhưng lòng ông chùng xuống trong nỗi sợ hãi mơ hồ rằng sẽ chẳng có cơ hội đặt bút vẽ nó nữa.

Niggle tìm được ông thầy thuốc, còn ở chỗ thợ xây ông để lại mảnh tin. Cửa hàng đã đóng cửa, người thợ đã về nhà ngồi bên lò sưởi rồi. Niggle ướt đẫm mình mẩy, đến lượt ông sinh cảm. Ông thầy thuốc thì chẳng sốt sắng lên đường được như Niggle. Hôm sau ông ta mới đến, thật tiện cho ông ta quá, vì lúc đó đã có hai bệnh nhân sát vách nhau. Niggle nằm trong giường, sốt sình sịch, những hình ảnh lá cành quấn quýt xinh đẹp tuyệt vời cứ nhảy nhót trong đầu và trên trần nhà. Ông cũng không vui lên khi nghe kể bà Parish chỉ bị cảm xoàng và đã dậy được. Ông nằm quay mặt vào tường, vùi mình vào lá.

Ông phải nằm ít lâu. Gió dữ vẫn chưa ngớt. Thêm nhiều mảnh ngói bên nhà Parish bị thổi bay, cả nhà Niggle cũng bị: trần nhà cũng bắt đầu dột. Người thợ xây không đến. Niggle cũng không để tâm một hai ngày đầu. Rồi ông bò ra khỏi nhà kiếm thứ gì ăn (Niggle không có vợ). Parish không qua: nước mưa ngấm vào khiến cái chân lại đau, còn bà vợ thì mải miết lau nước trên sàn, bụng chắc mẩm “cái nhà bác Niggle kia” đã quên gọi thợ xây rồi. Giá mà bà thấy mượn được thứ gì hữu ích thì cũng cử Parish qua rồi đấy, đau chân hay không đau cũng mặc; nhưng lại chẳng có gì cả, nên Niggle cứ ở một mình.

Hết khoảng một tuần gì đó Niggle mới lại tập tễnh đi vào lán. Ông cố trèo lên thang, nhưng bị chóng mặt. Ông ngồi dưới sàn nhìn bức tranh, nhưng trong đầu ông hôm nay chẳng có hình ảnh lá núi gì hết. Cũng có thể vẽ sa mạc đầy cát ở xa đấy, nhưng ông kiệt sức rồi.

Hôm sau ông đã đỡ hơn nhiều. Ông trèo lên thang, bắt đầu vẽ. Vừa đến lúc mải mê thì có tiếng gõ cửa.

“Khốn thật!” Niggle nói. Nhưng cũng chẳng khác gì ông đã “Mời vào” lịch sự, vì cửa vẫn cứ mở ra như thường. Lần này bước vào là một người rất cao, hoàn toàn lạ mặt.

“Đây là xưởng tư,” Niggle nói. “Tôi đang bận. Ông đi đi!”

“Tôi là Quan Thanh Tra Nhà Cửa,” người kia nói và giơ tờ giấy hẹn lên để Niggle trên thang nhìn thấy. “Ồ!” ông đáp.

“Nhà hàng xóm ông ở tình trạng không tốt một tí nào,” Quan Thanh Tra nói.

“Tôi biết rồi,” Niggle đáp. “Tôi đã nhắn lại cho thợ xây từ lâu rồi, nhưng họ chẳng đến. Rồi tôi ốm.”

“Thế hả?” Quan Thanh Tra đáp. “Nhưng giờ ông có ốm đâu.”

“Nhưng tôi không phải là thợ xây. Lẽ ra Parish phải báo cáo lên Tòa Thị Chính, yêu cầu Sở Cứu Trợ tới hỗ trợ chứ.”

“Ở đó đang tối mắt tối mũi vì những vụ tệ hại hơn nhiều,” Quan Thanh Tra đáp. “Dưới thung lũng bị lụt, rất nhiều gia đình đã mất nhà cửa. Lẽ ra ông phải giúp đỡ hàng xóm thực hiện những sửa chữa tức thời để tổn hại khỏi trở thành lớn hơn và tốn kém hơn cần thiết. Luật đã nói vậy. Ở đây có rất nhiều nguyên vật liệu: bạt, gỗ, sơn chống thấm.”

“Đâu?” Niggle phẫn nộ hỏi.

“Đây!” Quan Thanh Tra nói và chỉ vào bức tranh.

“Tranh của tôi!” Niggle kêu lên.

“Có vẻ là vậy,” Quan Thanh Tra nói. “Nhưng nhà cửa ở mức độ ưu tiên cao hơn. Luật đã nói vậy.”

“Nhưng tôi không thể…” Niggle ngưng lại, vì lúc đó có một người khác đi vào. Ông ta rất giống, gần như là bản sao của Quan Thanh Tra: người cao và ăn mặc đen tuyền.

“Đi thôi!” ông ta nói. “Tôi là Xà Ích.”

Niggle lập cập xuống thang. Hình như cơn sốt trở lại rồi, cái đầu đảo điên, toàn thân ông lại lạnh toát.

“Xà ích? Xà ích?” ông lắp bắp. “Xà ích gì cơ?”

“Xà ích của ông, đánh cỗ xe của ông,” người kia đáp. “Xe đã gọi từ rất lâu rồi. Cuối cùng nó cũng đến. Nó đang chờ ngoài kia. Hôm nay ông phải lên đường, ông biết rồi đấy.”

“Vậy đấy,” Quan Thanh Tra nói. “Ông phải đi rồi; nhưng lên đường như thế này thật không hay tí nào, bỏ cả công việc dang dở đằng sau. Nhưng ít nhất giờ thì tấm bạt này cũng được dùng vào việc có ích.”

“Ôi trời ơi,” Niggle tội nghiệp nói và òa khóc. “Mà bức tranh còn chưa xong nữa chứ!”

“Chưa xong à?” Xà Ích đáp. “Thì cũng xong đời rồi, thế đấy. Đi thôi!”

Niggle lặng lẽ đi theo. Xà Ích không đợi để xếp đồ vì bảo rằng ông đã có quá thừa thời gian làm việc đó, nếu đợi nữa sẽ lỡ tàu, nên Niggle chỉ kịp tóm lấy cái bọc nhỏ để ở hành lang. Ông phát hiện trong bọc chỉ có một hộp màu, thêm quyển sổ vẽ nhỏ, chẳng có đồ ăn mà cũng chẳng có quần áo. Họ vẫn kịp bắt tàu. Niggle rất mệt và buồn ngủ, hầu như chẳng nhận ra lúc người ta ấn mình vào chỗ ngồi. Ông cũng chẳng để tâm nữa; ông đã quên mình dự định đi đâu, hoặc đến đó làm gì. Gần như lập tức tàu chạy vào một đường hầm đen như hũ nút.

 *

Niggle tỉnh giấc trong một nhà ga lớn lờ mờ tối. Một người Phu đi dọc ke ga, vừa đi vừa hét, nhưng không phải hét tên ga mà hét “Niggle!”

Niggle vội vã chạy ra, rồi mới nhớ đã bỏ quên cái bọc. Ông lộn lại nhưng tàu đã chạy rồi.

“À, ông đây rồi!” người Phu nói. “Đi đường này! Sao, ông không có hành lý à?! Ông sẽ phải đến Nhà Tế Bần thôi.”

Niggle hoàn toàn kiệt sức, ông ngã xuống ngất đi trên ke ga. Người ta đưa ông lên xe cứu thương chở tới Bệnh Xá ở Nhà Tế Bần.

Việc cứu chữa ở đây thật không thể ưa được. Thuốc họ cho rất đắng. Các quan chức và y tá đều cấm cảu, kiệm lời và cứng nhắc; mà ông cũng chẳng gặp ai trừ một viên bác sĩ rất khắc nghiệt thỉnh thoảng đến khám. Ở đây giống nhà tù thì đúng hơn. Ông phải làm việc khổ nhọc, theo đúng giờ quy định, khi thì đào hố, khi thì làm mộc, hoặc sơn những mảnh ván trơ trọi duy nhất một màu buồn chán. Ông không được ra ngoài chơi, các cửa sổ đều quay vào trong nhà. Nhiều khi người ta bắt ông ở trong bóng tối hàng giờ liền, “để suy nghĩ”, họ bảo thế. Ông không còn biết lúc nào là mấy giờ. Ông cũng không thấy mình khỏe lên, nếu khỏe có nghĩa là thấy hứng thú làm gì đó. Ông chẳng thấy hứng thú làm bất kỳ thứ gì, kể cả lên giường ngủ.

Ban đầu, trong chừng một thế kỷ đầu (đấy là tôi mô tả lại cảm giác của ông), ông thường lo lắng vẩn vơ về quá khứ. Có một điều ông cứ không ngớt nhắc nhủ trong lòng khi nằm trong bóng tối: “Giá mà mình đã qua thăm Parish sáng hôm sau khi có trận gió lớn đầu tiên. Mình đã định thế mà. Mấy hòn ngói lỏng ban đầu chắc cũng không khó gắn. Rồi thì bà Parish chắc đã không bị cảm. Rồi thì mình cũng đã không bị cảm. Vậy thì mình đã có thêm một tuần.” Nhưng dần dà ông cũng quên đi không nhớ mình cần cái tuần ấy để làm gì nữa. Rồi sau đó, nếu ông có còn lo lắng điều gì, thì đấy là những việc làm trong bệnh viện. Ông lập kế hoạch trong đầu, nghĩ xem làm thế nào sửa cái ván kẽo kẹt thật nhanh, hay gắn lại cái cửa, hoặc chỉnh cái chân bàn. Hẳn là sau đó ông đã hữu dụng hơn rất nhiều, dù chẳng ai khen vậy. Nhưng tất nhiên đấy không thể là lý do người ta giữ ông lại lâu như thế. Chắc là vì họ đợi ông khỏe lên thôi, còn “khỏe lên” là thế nào thì còn tùy vào tiêu chuẩn nghề y kỳ dị nào đấy của họ.

Dù sao thì Niggle tội nghiệp cũng thấy đời không còn gì vui thú nữa, vui thú như ông từng thấy ngày xưa. Chắc chắn là không có gì giải trí rồi. Nhưng cũng không thể nói là ông không dần cảm thấy… ờ, có thể gọi là “bằng lòng”: bánh mì, tuy không phải là mứt. Ông có thể bắt đầu công việc ngay khi chuông reo, rồi bỏ dụng cụ xuống lập tức khi có tiếng chuông tiếp theo, xếp gọn gàng trật tự để tiếp tục ngay khi cần đến. Bây giờ thì mỗi ngày ông làm được khá nhiều, những việc nho nhỏ được hoàn tất chóng vánh. Ông không có “thời gian riêng” (trừ lúc ở một mình trên giường xà lim), thế mà ông vẫn đang làm chủ thời gian; ông bắt đầu hiểu rõ mình có thể dùng thời gian như thế nào. Ông không cảm thấy vội cuống lên nữa. Trong lòng ông giờ đã tĩnh lặng hơn, và đến giờ nghỉ đã nghỉ được thật sự.

Rồi bỗng thình lình người ta đảo lộn hết giờ giấc của ông; ông hầu như không được phép đi ngủ nữa; ông bị dứt hẳn khỏi xưởng mộc và bị bắt đào đất liên tục, ngày này qua ngày khác. Ông cũng chịu đựng rất tốt. Phải mãi về sau ông mới bắt đầu lục tìm trong trí nhớ những câu nguyền rủa đã quên từ lâu. Ông cứ đào đến khi lưng gần sụn, tay tướp máu và cảm thấy không thể thọc xẻng xuống thêm lần nữa. Chẳng ai cám ơn ông. Nhưng viên bác sĩ cũng tới nhìn.

“Bỏ xẻng xuống!” ông ta nói. “Nghỉ ngơi tuyệt đối – trong bóng tối.”

 *

Niggle đang nằm trong bóng tối, nghỉ ngơi tuyệt đối, và bởi không cảm thấy cũng không nghĩ ngợi gì, có lẽ ông đã nằm đó hàng giờ hay thậm chí hàng năm cũng nên, không cách nào biết được. Nhưng giờ thì ông nghe thấy nhiều Giọng Nói, không phải giọng người nào từng nghe trước đây. Hình như có một Ban Y Tế, mà cũng có thể là một Tòa Thẩm Tra, đang diễn ra rất gần đây, trong phòng bên cạnh, chắc vì cửa mở, dù ông không nhìn thấy ánh sáng.

“Bây giờ đến phiên Niggle,” một Giọng Nói cất lên, rất khắc nghiệt, khắc nghiệt hơn cả viên bác sĩ nữa.

“Ông ta thì có vấn đề gì?” đến lượt Giọng Nói Thứ Hai, một giọng gần như có thể gọi là dịu dàng, dù không mềm yếu – đấy là một giọng nói quyền uy, có vẻ vừa hy vọng vừa buồn bã. “Niggle thì có vấn đề gì? Tấm lòng ông ta đặt đúng chỗ.”

“Phải, nhưng hoạt động thì sai lệch cả,” Giọng Nói Thứ Nhất đáp. “Và cái đầu không gắn đủ chặt: ông ta hầu như không suy nghĩ. Hãy xem ông ta lãng phí chừng ấy thời gian mà thậm chí chẳng được vui vẻ nữa! Ông ta không hề chuẩn bị cho chuyến đi. Ông ta từng khá giả, thế mà đến đây không khác gì một kẻ nghèo kiết, đến nỗi phải đưa vào trại tế bần. Một ca rất xấu, tôi phải nói như vậy. Có lẽ ông ta nên ở lại thêm chút nữa.”

“Có thể cũng chẳng hại gì cho ông ta, có thể,” Giọng Nói Thứ Hai đáp. “Nhưng tất nhiên, ông ta chỉ là một người bé nhỏ. Chẳng có dự định gì lớn lao dành cho ông ta cả, và ông ta cũng không bao giờ thật mạnh. Ta hãy xem lại Hồ Sơ nào. Phải. Có một vài điểm có lợi cho ông ta, các vị biết mà.”

“Cũng có thể,” Giọng Nói Thứ Nhất đáp, “nhưng rất ít điểm đứng vững được nếu đưa ra tra xét.”

“À,” Giọng Nói Thứ Hai nói, “có vài điểm thế này. Về bản tính ông ta là họa sĩ. Họa sĩ hạng xoàng thôi, tất nhiên; nhưng một chiếc Lá của Niggle cũng có cái duyên riêng của nó. Ông ta vẽ lá rất tỉ mỉ, chỉ vì muốn vẽ lá mà thôi. Nhưng ông ta không bao giờ vì thế mà nghĩ mình quan trọng. Trong Hồ Sơ không hề ghi lại ông ta vờ nghĩ, dù với chính mình, rằng đó có thể là lời biện minh cho việc lơ là những điều được quy định trong luật.”

“Vậy thì ông ta đáng ra không nên lơ là quá nhiều điều như vậy,” Giọng Nói Thứ Nhất đáp.

“Tuy thế ông ta cũng đã đáp lại khá nhiều Lời Gọi.”

“Một phần rất nhỏ thôi, chủ yếu là những lời lặt vặt, và ông ta lại gọi đó là Làm Phiền. Hồ Sơ ghi liên tiếp chữ này, chưa kể rất nhiều phàn nàn và nguyền rủa ngớ ngẩn.”

“Phải, nhưng tất nhiên dưới mắt ông ta thì đấy là Làm Phiền rồi, con người tội nghiệp. Và lại còn điều này nữa: ông ta không bao giờ mong được Báo Đáp, như rất nhiều người thuộc loại ông ta gọi. Còn có vụ Parish, vụ này chút nữa sẽ đến lượt. Ông ta là hàng xóm của Niggle, không bao giờ động chân tay làm bất cứ điều gì cho ông này, và hầu như không bao giờ tỏ ra biết ơn. Nhưng trong Hồ Sơ không hề ghi rằng Niggle mong được Parish biết ơn; ông ta hình như không nghĩ đến chuyện đó.”

“Phải, đó cũng là một điểm cộng,” Giọng Nói Thứ Nhất nói, “nhưng là một điểm khá nhỏ. Có thể thấy rằng Niggle đơn giản là quên. Những điều làm cho Parish, ông ta gạt khỏi đầu như một việc phiền hà đã được giải quyết.”

“Nhưng vẫn còn báo cáo cuối cùng này,” Giọng Nói Thứ Hai nói, “cuốc xe trong mưa ấy. Tôi thấy điều đó khá quan trọng. Có lẽ không nghi ngờ gì nữa, đây là một hy sinh thực sự: Niggle đã đoán được rằng mình đang vứt đi cơ hội cuối cùng để vẽ bức tranh, và cũng đoán rằng Parish đang lo lắng không cần thiết.”

“Tôi nghĩ là anh đang thổi phồng lên rồi,” Giọng Nói Thứ Nhất nói. “Nhưng anh là người quyết định. Tất nhiên, nhiệm vụ của anh là giải thích các sự việc theo cách tốt nhất. Nhiều lúc cũng đứng vững được đấy. Thế anh đề nghị thế nào?”

“Tôi nghĩ ca này đáng được đối xử nhẹ nhàng,” Giọng Nói Thứ Hai đáp.

Niggle nghĩ mình chưa bao giờ nghe thấy thứ gì độ lượng như Giọng Nói ấy. Theo như Giọng Nói thì Đối Xử Nhẹ Nhàng nghe như thể một ôm đầy quà quý, hoặc như lời mời dự tiệc của một ông vua. Rồi đột nhiên Niggle thấy hổ thẹn. Phán quyết rằng ông được coi là một ca đáng Đối Xử Nhẹ Nhàng khiến ông ngượng chín hết cả người, thậm chí còn đỏ dừ mặt trong bóng tối. Cứ như là được ca ngợi công khai, trong khi chính mình và cả cử tọa đều biết rằng lời khen ấy không xứng đáng. Niggle vùi gương mặt đỏ ửng vào tấm chăn thô ráp.

Im lặng hồi lâu. Rồi Giọng Nói Thứ Nhất cất lên ngay sát Niggle. “Ông nghe thấy rồi,” giọng nói ấy bảo.

“Vâng,” Niggle đáp.

“À, thế ông muốn nói gì?”

“Cho tôi biết về Parish được không?” Niggle nói. “Tôi rất mong được gặp lại bác ấy. Tôi hy vọng bác ấy không đến nỗi ốm quá? Các vị có chữa được chân cho bác ấy không? Cái chân làm bác ấy khổ sở vô cùng. Và lạy trời, không phải lo về bác ấy với tôi đâu. Bác ấy là người hàng xóm rất tốt, thường bán khoai tây ngon tuyệt cho tôi với giá rất rẻ, giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian.”

“Thế ư?” Giọng Nói Thứ Nhất đáp. “Rất vui được biết điều này.”

Lại một hồi im lặng. Niggle nghe tiếng các Giọng Nói đang rời xa. “Ừ, tôi đồng ý,” ông nghe Giọng Nói Thứ Nhất nói ở đằng xa. “Hãy để ông ta đi tới chặng sau. Ngay ngày mai, nếu anh muốn.”

Niggle tỉnh dậy, thấy rèm cửa đã mở, căn phòng cách ly nhỏ ngập tràn ánh nắng. Ông ngồi dậy, nhận ra bên cạnh mình đặt quần áo thoải mái chứ không phải đồng phục bệnh viện. Sau bữa sáng, viên bác sĩ chữa cho ông đôi bàn tay đau, bôi ít thuốc mỡ lên khiến tay lành tức khắc. Ông ta cũng cho Niggle vài lời khuyên cùng một bình tonic (nhỡ may ông cần). Đến gần trưa người ta cho Niggle một chiếc bánh quy và chai vang, rồi thêm một tấm vé.

“Giờ ông đi ra ga được rồi,” viên bác sĩ nói. “Người Phu sẽ lo cho ông. Tạm biệt.”

 *

Niggle lách ra khỏi cửa chính, chớp chớp mắt. Mặt trời sáng lóa mắt. Hơn nữa ông tưởng sẽ bước ra một thành phố lớn, lớn như kích cỡ cái nhà ga, nhưng không phải. Ông đang đứng trên đỉnh đồi xanh trơ trọi, cơn gió hun hút thổi qua tỉnh cả người. Chẳng có ai xung quanh cả. Tít dưới chân đồi là nóc nhà ga lấp lánh.

Ông xuống đồi đi về phía nhà ga, nhanh nhẹn nhưng không vội vã. Người Phu nhìn thấy ông ngay lập tức.

“Đằng này!” ông ta nói và dẫn Niggle ra điểm xuất phát, nơi có một đoàn tàu địa phương nhỏ xinh đang chờ: một toa móc vào đầu máy nhỏ, cả hai đều sạch sẽ, nước sơn mới tươi sáng. Trông như chúng hôm nay mới chạy lần đầu. Cả đường ray trải ra trước đoàn tàu trông cũng mới tinh tươm: những thanh ray sáng bóng, gối ray sơn xanh lá, tà vẹt tỏa mùi nhựa đường mới say lòng trong nắng ấm. Trong toa không có ai.

“Tàu này đi đâu hả bác Phu?” Niggle hỏi.

“Tôi nghĩ là người ta chưa quyết định tên đâu,” người Phu nói. “Nhưng chắc chắn là ông sẽ đến nơi thôi.” Ông ta đóng cửa toa.

Tàu chuyển bánh ngay lập tức. Niggle ngả người trên ghế. Đầu máy nhỏ phụt ra từng đụn khói trên lối đi xẻ giữa hai bờ cỏ rất cao, bầu trời xanh như nóc úp trên đầu. Chừng như chưa chạy được bao lâu, đầu tàu đã nổi còi tuýt tuýt, phanh sập xuống và đoàn tàu dừng lại. Không có ga, cũng không có biển, chỉ có mấy bậc cầu thang dẫn lên bờ cỏ dốc. Trên cùng là một bờ giậu xén tỉa. Tựa vào cái cổng gỗ trổ giữa bờ giậu là xe đạp của ông, hoặc ít ra là một cái xe trông rất giống của ông, trên tay lái buộc tờ nhãn vàng ghi chữ đen đậm NIGGLE.

Niggle đẩy cổng, nhảy lên xe đạp rồi lướt phần phật xuống dốc trong nắng xuân. Chẳng mấy chốc ông thấy con đường mòn dưới bánh xe đã biến mất, chiếc xe đang chạy trên nền đất cỏ mềm êm dịu tuyệt vời. Cỏ màu xanh mọc rất dày, thế mà ông vẫn thấy rõ nét từng lá một. Ông ngỡ như đã thấy hay đã mơ thấy vạt cỏ này đâu đó. Những nếp đất uốn lượn dưới chân cũng quen thuộc thế nào. Phải, đang chuyển sang mặt đất bằng, đúng như ông đoán trước, rồi tiếp theo, tất yếu, nó lại bắt đầu dốc lên. Một bóng râm lớn xanh mướt phủ lên người ông, che khuất mặt trời. Niggle ngước lên và ngã bổ chửng khỏi xe đạp.

Trước mặt ông là Cái Cây, Cái Cây của ông, đã hoàn tất. Nếu có thể tả bằng từ “hoàn tất” một cái cây đang sống, lá đang xòe, cành nhánh đang trổ dài và xao động trong cơn gió đã bao nhiêu lần Niggle cảm thấy hay đoán thấy mà không tài nào bắt được. Ông trố mắt nhìn Cái Cây, và chậm chạp, ông đưa hai tay lên cao, dang rộng.

“Đúng là một món quà!” ông nói. Ông đang nói về tài năng của mình, mà cũng về kết quả; nhưng ông muốn nói chữ đó theo nghĩa đen.

Ông ngắm mãi cái cây. Mỗi chiếc lá ông kỳ khu vẽ đều có mặt, hệt như trong tưởng tượng thì đúng hơn là hệt như dưới ngòi bút ông, và có nhiều chiếc khác mới kịp nhú ra trong trí tưởng, và nhiều chiếc nữa hẳn đã nhú ra, nếu ông có thêm một chút thời gian. Không có dòng chữ nào mà chỉ toàn những chiếc lá tinh xảo vô ngần, nhưng từng chiếc lá đều mang ngày tháng rõ ràng như cuốn lịch. Rất nhiều trong số những chiếc đẹp nhất, cũng là những chiếc điển hình nhất, những ví dụ hoàn hảo nhất cho phong cách Niggle, hóa ra lại là những chiếc đã sinh ra từ sự cộng tác của ông với Parish – không có cách diễn đạt nào đúng hơn được nữa.

Chim chóc đang xây tổ trên Cái Cây. Những con chim kỳ diệu: chúng hót mới hay chứ! Chúng đang tìm bạn, ấp nở, dang cánh rồi bay đi vào trong Rừng, vừa bay vừa hót, ngay trước mắt ông. Vì giờ thì ông nhận ra Cánh Rừng cũng có mặt, trải ra suốt hai bên, dài mãi tới khi khuất mắt. Còn Rặng Núi thì đang lấp lánh ở đằng xa.

Một lúc sau Niggle đi về phía Cánh Rừng. Không phải vì ông đã chán Cái Cây, mà vì hình như ông đã thấy rõ rệt toàn bộ nó trong đầu rồi, ông ý thức rằng nó có ở đó và rằng nó vẫn không ngừng lớn, kể cả khi ông không nhìn. Trong lúc đi, ông còn phát hiện ra một điều lạ: Cánh Rừng là một cánh rừng ở tít đằng xa, dĩ nhiên, thế mà ông vẫn có thể đến gần nó, thậm chí đi vào trong nó, mà không khiến nó mất đi sức thu hút cũ. Trước đây chưa bao giờ ông có thể đi tới “đằng xa” mà không bị thấy đằng xa trở nên chỉ còn là “xung quanh”. Giờ đây dạo chơi giữa vùng quê quả thật càng thêm thú vị lắm, vì anh càng đi, những đằng xa mới càng mở thêm ra, vì vậy giờ anh có những đằng xa gấp đôi, gấp ba, gấp bốn, càng quyến rũ gấp đôi, gấp ba, gấp bốn. Anh có thể cứ đi mãi đi mãi, rồi có hẳn cả một vùng quê trong một khu vườn, hay là trong một bức tranh (nếu anh thích gọi như vậy hơn). Anh có thể cứ đi mãi đi mãi, nhưng chắc là không phải tới vô tận đâu. Vì vẫn còn Rặng Núi ở hậu cảnh. Rặng Núi thì có tiến lại, từng chút một. Rặng Núi hình như không nằm trong bức tranh, hoặc có thì cũng chỉ như lối dẫn đến một thứ khác – hình ảnh lấp ló qua đám cây lá thuộc về một thứ gì khác, một tầng bậc xa hơn: hay là một bức tranh khác.

Niggle đi vòng quanh, nhưng không phải ông chỉ la cà ngắm nghía đâu. Ông đang nhìn kỹ khắp lượt. Cái Cây đã xong, dù không phải xong đời – “đúng là lộn ngược so với hồi xưa,” ông nghĩ – nhưng trong Cánh Rừng có vài khoảnh vẫn còn chưa hoàn tất, vẫn còn cần sửa sang và nghĩ ngợi. Không có gì cần thay đổi thêm nữa, không có gì lạc chỗ cả, ở những gì đã có, những vẫn cần làm tiếp đến một mức nhất định nào đó. Mỗi chỗ, Niggle đều thấy đích xác mức ấy là bao nhiêu.

Ông ngồi xuống dưới bóng một cái cây đằng xa rất đẹp – phần nào giống Cái Cây Lớn, nhưng lại khá đặc thù, hoặc đúng hơn sẽ khá đặc thù nếu được trau chuốt hơn – và tính toán xem nên bắt đầu từ đâu, rồi hoàn tất ở đâu, và sẽ mất bao lâu. Nhưng ông không tính ra được kế hoạch tỉ mỉ.

“Tất nhiên rồi!” ông nói. “Mình còn cần Parish nữa. Có bao nhiêu điều về đất, về cây cối và hoa lá mà bác ấy biết, còn mình thì không. Nơi này không thể chỉ để làm công viên riêng cho mình được. Mình cần giúp đỡ và lời khuyên; đáng ra mình nên hỏi từ trước.”

Ông đứng dậy và đi tới nơi đã quyết định bắt tay vào sửa sang. Ông bỏ áo ngoài. Rồi trong một lũng nhỏ khuất dưới cây khiến đứng từ xa không nhìn rõ, ông thấy có một người ngơ ngác ngó quanh. Người đó đang tì người trên xẻng, nhưng rõ ràng không biết phải làm gì. Niggle vẫy tay và chào lớn: “Parish!”

Parish vác xẻng lên vai đi lại gần. Ông ta vẫn còn hơi khập khiễng. Họ không nói gì, chỉ gật đầu như khi đi ngang nhau trên đường ngày xưa, nhưng bây giờ thì họ đi cùng bên nhau, tay khoác tay. Không cần lời, Niggle và Parish cũng nhất trí đâu đích xác là nơi nên cất ngôi nhà nhỏ có mảnh vườn, hình như nhất thiết phải có.

Trong lúc họ cùng làm việc, có thể nhận rõ rằng giờ thì Niggle giỏi sử dụng thời gian và hoàn thành công việc hơn xưa. Lạ một điều là chính Niggle lại mê mải xây cất và làm vườn, trong khi Parish thỉnh thoảng lại đi lang thang thăm thú cây cối, đặc biệt là cái Cây Lớn.

Một hôm Niggle đang chú tâm trồng hàng giậu táo gai còn Parish nằm trên cỏ gần đó, chăm chú nhìn một bông hoa vàng rất cân đối xinh xắn mọc trên lớp cỏ mặt xanh. Niggle đã thả vô số hoa vào giữa những khúc rễ Cái Cây từ rất lâu về trước. Thình lình Parish ngẩng lên: mặt ông sáng ngời dưới nắng, ông đang mỉm cười.

“Nơi này thật tuyệt!” ông ta nói. “Đáng ra tôi không được đến đây. Cám ơn bác đã nói tốt cho tôi.”

“Vớ vẩn nào,” Niggle đáp. “Tôi chẳng nhớ mình đã nói gì, nhưng dù sao thì cũng còn chưa đủ.”

“Ồ, đủ lắm rồi,” Parish đáp. “Nhờ vậy mà tôi được ra sớm hơn nhiều. Cái Giọng Nói Thứ Hai ấy, bác biết mà: chính ông ta đã để tôi được đến đây, vì nói bác muốn gặp tôi. Tôi còn nợ bác điều ấy.”

“Không, bác nợ Giọng Nói Thứ Hai,” Niggle nói. “Và tôi cũng vậy.”

Họ cứ thế sống và làm việc bên nhau, tôi cũng không biết bao lâu nữa. Cũng không cần phải giấu rằng ban đầu thỉnh thoảng họ cũng bất đồng, đặc biệt là khi đang mệt. Vì ban đầu thỉnh thoảng họ cũng mệt. Họ phát hiện ra cả hai đều được cho tonic. Mỗi chai đều đề nhãn giống nhau: Nhỏ vài giọt vào Nước Suối, uống trước khi nghỉ.

Họ tìm ra Con Suối chính giữa Cánh Rừng; có một lần từ lâu lắm Niggle từng tưởng tượng ra, nhưng chưa bao giờ vẽ nó. Giờ thì ông hiểu rằng đấy chính là nguồn suối đổ vào cái hồ lấp lánh ở đằng xa, và cũng là nguồn nước nuôi mọi vật sinh sôi trong vùng đất. Mấy giọt nước khiến nước suối có vi hăng hăng, hơi đắng nữa, nhưng sảng khoái hẳn, và đầu óc họ tỉnh táo hơn. Sau khi uống xong mỗi người ở riêng nghỉ ngơi, rồi họ dậy và lại tiếp tục công việc rất hưng phấn. Mỗi lần như thế Niggle lại nghĩ ra những hoa lá cỏ cây mới tuyệt thú, còn Parish thì bao giờ cũng biết đích xác phải trồng xuống như thế nào và hoa cỏ ấy đẹp nhất khi ở đâu. Hai chai tonic vẫn còn nhiều chưa hết thì họ đã thôi không cần nữa. Parish đã đi lại bình thường.

Khi công việc đến lúc gần kết thúc, họ dành càng lúc càng nhiều thời gian đi lại đó đây, ngắm nhìn cây cối, hoa lá, ánh sáng và bóng tối, cùng bài trí chung của vùng đất. Thỉnh thoảng họ nghêu ngao hát cùng nhau, nhưng Niggle nhận thấy nay mình càng lúc càng hay đưa mắt nhìn về phía Rặng Núi.

Rồi cũng đến lúc ngôi nhà trong lũng, mảnh vườn, bãi cỏ, cánh rừng, con hồ, và cả vùng đất đã gần hoàn tất theo cách rất đúng lý của riêng mỗi thứ. Cây Lớn đang nở hoa rực rỡ.

“Tối nay là xong,” một hôm Parish nói. “Sau đó chúng ta sẽ đi dạo lâu thật là lâu.”

Hôm sau họ lên đường, và họ đi mãi cho đến lúc vượt qua hết mọi đằng xa đến sát Mép Rìa. Đấy là một nơi không có hình dạng, tất nhiên: không có vạch thẳng, không có hàng rào hay tường, nhưng họ cũng biết mình đã đến ranh giới của vùng đất. Họ thấy một người trông dáng dấp như mục đồng; anh ta đang đi về phía họ trên sườn cỏ dẫn về phía Rặng Núi.

“Các ông cần người dẫn đường không?” anh ta hỏi. “Các ông muốn đi tiếp không?”

Trong một phút, bóng tối phủ xuống giữa Niggle và Parish, vì Niggle biết rằng giờ thì ông muốn đi, và (một cách nào đó) cần phải đi; nhưng Parish thì không muốn, và vẫn còn chưa sẵn sàng.

“Tôi phải đợi vợ tôi đã,” Parish nói với Niggle. “Không thì bà ấy sẽ cô độc lắm. Tôi đã hơi đoán ra rằng người ta sẽ cử bà ấy tới đây theo tôi, một lúc nào đó, khi bà ấy sẵn sàng, khi tôi đã sắp đặt mọi thứ sẵn sàng chờ bà ấy. Giờ thì cái nhà đã xong rồi, hết mức mà chúng ta làm được, nhưng tôi cũng muốn cho bà ấy xem nữa. Bà ấy sẽ khiến cho cái nhà đẹp đẽ hơn, tôi nghĩ thế, ấm cúng hơn. Tôi cũng hy vọng bà ấy sẽ thích cả vùng đất này.” Ông quay sang người chăn cừu. “Anh là người dẫn đường à?” ông hỏi. “Anh có thể cho tôi biết tên vùng này được không?”

“Ông không biết ư?” người kia đáp. “Đây là Đất Của Niggle. Đây là Tranh Của Niggle, hoặc đúng hơn là gần hết; một phần nhỏ nơi đây giờ là Vườn Của Parish.”

“Tranh Của Niggle!” Parish kinh ngạc kêu lên. “Chính là bác đã nghĩ ra mọi thứ này ư, Niggle? Tôi chẳng hề ngờ bác lại tài ba như thế. Sao bác không cho tôi biết?”

“Ông ấy đã cố cho ông biết từ lâu lắm rồi,” người kia nói, “nhưng ông đâu có nhìn. Ngày đó ông ấy chỉ có mỗi toan và màu vẽ, mà ông lại muốn lấy để sửa mái nhà. Đây chính là thứ mà ông và vợ ông vẫn gọi là Thứ Nhăng Cuội của Niggle, hay là Cái Trò Vầy Vọc Ấy.”

“Nhưng hồi đó trông nó đâu có như thế này, đâu có thực,” Parish nói.

“Không, hồi đó nó mới chỉ là một viễn ảnh,” người kia nói, “nhưng có thể ông cũng đã thấy được viễn ảnh ấy, nếu từng nghĩ là đáng thử nhìn xem.”

“Tôi cũng không cho bác cơ hội,” Niggle nói. “Tôi không hề tìm cách giải thích. Tôi vẫn gọi bác là Lão Bươi Đất. Nhưng có sao đâu? Giờ thì chúng ta đã sống và làm việc bên nhau rồi. Mọi thứ đã có thể khác đi, nhưng cũng không thể tốt hơn thế được. Dù sao nữa, tôi e là mình cũng phải đi đây. Hẳn là chúng ta sẽ còn gặp lại nhau: chắc chắn còn nhiều việc nữa để chúng ta cùng làm. Tạm biệt!” Ông bắt tay Parish thân thiết: đấy có vẻ là một bàn tay tử tế, rắn chắc và thành thật. Ông quay lại nhìn một lát. Hoa trên Cây Lớn đang sáng rực như lửa cháy. Tất cả chim chóc đều bay tung lên trời hót vang. Rồi ông cười, gật đầu với Parish, rồi bước đi cùng người chăn cừu.

Rồi ông sẽ được học về cừu, về những cánh đồng chăn thả trên cao, được nhìn lên bầu trời rộng lớn hơn, và đi càng lúc càng xa về phía Núi, mỗi lúc một cao hơn. Xa hơn nữa thì tôi cũng không biết ông sẽ gặp được điều gì nữa. Ngay cả Niggle bé nhỏ trong ngôi nhà cũ cũng từng chớp thấy Rặng Núi xa xôi, và Rặng Núi đã tìm vào rìa bức tranh của ông; nhưng Rặng Núi thực sự là như thế nào và bên kia núi có gì, thì chỉ có những ai từng trèo lên mới biết được.

 *

“Tôi vẫn nghĩ lão lùn đó là một kẻ xuẩn ngốc,” Ủy Viên hội đồng thành phố Tompkins nói. “Vô dụng nữa là khác, chẳng dùng được vào việc gì có ích cho Xã Hội.”

“À, tôi không biết nữa,” Atkins đáp; ông ta chẳng phải ai quan trọng, chỉ là một ông thầy giáo mà thôi. “Tôi cũng không chắc nữa, còn tùy xem ông nói dùng theo nghĩa thế nào.”

“Chẳng dùng được vào việc gì thực tế, hay kinh tế,” Tompkins đáp. “Tôi dám nói rằng hắn ta cũng có thể rèn thành một cái bánh răng cưa xài được đấy, nếu đám thầy bà bọn anh làm tròn bổn phận. Nhưng các anh lơ ngơ như thế nên chúng ta mới vớ phải những hạng vô tích sự như vầy. Nếu tôi mà quản cái đất nước này ấy à, thì tôi sẽ kiếm ra công việc gì phù hợp cho chúng nó, rửa bát ở bếp tập thể chẳng hạn, và đích thân tôi sẽ lo sao cho chúng nó phải làm ăn tử tế. Bằng không tôi sẽ tống tiễn chúng đi. Tôi đáng phải tống tiễn hắn đi từ lâu lắm rồi.”

“Tống tiễn ông ấy đi? Nghĩa là ông sẽ bắt ông ấy lên đường trước cả khi đến lúc?”

“Phải, nếu anh cứ phải dùng cái chữ vớ vẩn xưa rích đó. Tống hắn ta vào đường hầm thẳng đến Đống Rác lớn: ý tôi là vậy đấy.”

“Thế ông nghĩ vẽ tranh không có giá trị gì, không đáng lưu giữ, cải thiện, hay thậm chí là lợi dụng?”

“Tất nhiên, vẽ vời cũng có chỗ dùng chứ,” Tompkins đáp. “Nhưng tranh của hắn ta chẳng dùng vào cái gì được sất. Có rất nhiều đất cho những thanh niên can đảm không ngán những ý tưởng mới và phương pháp mới. Nhưng không có đất cho ba thứ cổ giả này. Đây thì chỉ rặt mơ mộng cá nhân. Hắn ta thậm chí còn chẳng thiết kế nổi tấm cổ động cho ra hồn nữa. Suốt ngày loanh quanh những hoa với chả lá. Có lần tôi hỏi tại sao. Hắn ta bảo rằng hắn nghĩ nó đẹp! Anh thử tưởng tượng xem? Hắn nói là đẹp! ‘Đẹp gì, mấy thứ cơ quan tiêu hóa và sinh dục của cây hả?’ tôi hỏi, và hắn ta chẳng biết đáp ra sao. Chỉ rặt bá láp.”

“Bá láp à,” Atkins thở dài. “Phải, con người tội nghiệp, ông ta chẳng hoàn tất được thứ gì. Chao ôi, những tấm toan của ông đã được ‘dùng vào việc có ích’ sau khi ông ra đi. Nhưng tôi cũng không biết nữa, Tompkins ạ. Ông còn nhớ bức tranh lớn, bức tranh đã dùng lợp cái nhà hư hỏng cạnh nhà ông ta sau đợt tố lốc và lũ lụt chứ? Tôi đã tìm thấy một góc tranh bị rách ra nằm giữa đồng. Nó bị hư hại nhưng vẫn nhìn rõ: một đỉnh núi nằm giữa nhánh lá ôm tròn. Tôi không tài nào xua đuổi nó khỏi tâm trí của mình từ hôm đó.”

“Khỏi cái gì của anh cơ?” Tompkins hỏi.

“Hai người đang nói chuyện gì vậy?” Perkins chen vào tìm cách giữ hòa khí: Atkins mặt đã đỏ phừng phừng.

“Cái tên ấy chẳng bõ bẩn miệng,” Tompkins nói. “Tôi cũng chẳng biết vì sao chúng ta lại nói về hắn nữa. Thậm chí hắn còn không sống trong thành phố.”

“Không,” Atkins đáp, “nhưng ông vẫn thèm muốn cái nhà của ông ấy. Chính vì thế ông cứ lui tới suốt, cười nhạo ông ấy trong lúc vẫn uống trà của ông ấy. Giờ thì ông được cái nhà đó rồi, cả cái nhà trong thành phố nữa, thiết nghĩ ông cũng không nên cấm đoán cái tên ông ấy làm gì. Chúng tôi đang nói về Niggle, nếu anh muốn biết, Perkins ạ.”

“Ôi, ông già Niggle tội nghiệp!” Perkins nói. “Chưa bao giờ biết ông ấy cũng vẽ.”

Đấy chắc là lần cuối cùng có ai đó còn nhắc đến tên Niggle trong khi trò chuyện. Nhưng Atkins vẫn giữ gìn mẩu tranh rách. Mẩu tranh dần dà bị mủn nát gần hết, nhưng một chiếc lá đẹp tuyệt vẫn còn nguyên. Atkins đem lồng khung. Sau này ông để lại cho Bảo Tàng Thành Phố, và một hồi lâu bức Lá của Niggle treo trong một hõm nhỏ và cũng được vài người để mắt. Nhưng cuối cùng bảo tàng bị cháy rụi, và chiếc lá cùng Niggle đã hoàn toàn rơi vào quên lãng ở vùng đất ông sống ngày xưa.

*

“Thực tế là hết sức có ích,” Giọng Nói Thứ Hai nói. “Dù là khi cần nghỉ dài hay nghỉ ngắn ngày lấy lại sức. Tuyệt nhất là khi cần dưỡng bệnh; và không chỉ có thế, nhiều người thấy đây là cách chuẩn bị đến với Rặng Núi tốt nhất. Vài trường hợp đã cho những kết quả thần kỳ. Tôi đang đưa càng lúc càng nhiều người tới đó hơn. Rất ít khi họ phải quay lại.”

“Quả là vậy,” Giọng Nói Thứ Nhất nói. “Tôi nghĩ là cần phải đặt tên cho vùng ấy. Anh có ý gì không?”

“Người Phu đã nghĩ ra từ lâu rồi,” Giọng Nói Thứ Hai đáp. “Tàu tới Parish của Niggle đang vào ga: ông ta vẫn hét vậy từ lâu nay rồi. Parish của Niggle. Tôi đã gửi tin báo cho cả hai biết.”

“Thế họ đáp lại thế nào?”

“Cả hai đều cười. Tiếng cười họ ầm vang Rặng Núi!”

__

Cảm ơn bạn Tyelpion đã đọc và góp ý bản dịch này.

Những bạn tinh ý chắc đã nhận thấy tên hai nhân vật chính ở đây đã được “treo” lại chưa dịch. Để nhường cho các bạn đấy :)

Advertisement